Kỹ Thuật Trồng Tỏi Hữu Cơ Tại Nhà


Tỏi là loại gia vị không thể thiếu trong các món ăn hàng ngày. Nếu bạn không yên tâm về chất lượng của loại tỏi bán ở chợ, hãy tự trồng tỏi tại nhà, vì trồng tỏi rất dễ và không tốn quá nhiều chi phí, công sức. Sau đây là cách trồng tỏi hữu cơ tại nhà dễ thành công.

cách trồng tỏi hữu cơ tại nhà
Trồng tỏi trong thùng chứa

Thời tiết thích hợp để trồng tỏi

Cây tỏi có nguồn gốc từ các nước Trung Á, vì vậy tỏi rất ưa thời tiết mát mẻ và có khả năng chịu lạnh tốt. Nhiệt độ thích hợp nhất để trồng tỏi là từ 18 đến 20 độ C.
Cây tỏi rất thích ánh sáng mặt trời. Vì vậy, cách trồng tỏi tốt nhất là nên trồng ở những nơi hứng được ánh nắng cả ngày. Càng được chiếu sáng nhiều, tỏi càng nhanh hình thành củ. Nếu trồng ở nơi mát hoặc ít ánh nắng, tỏi sẽ không tạo củ được.

Làm đất trồng tỏi

Đầu tiên, xin lưu ý rằng, không trồng tỏi ở những khu đất gần chỗ nước thải, gần bãi rác hoặc nghĩa trang vì đây là những khu vực dễ bị nhiễm bệnh và các hóa chất độc hại cho cây trồng.
Đất trồng tỏi cần có độ pH trong khoảng từ 6,0 đến 6,5. Đất cần phải sạch mầm bệnh, có sự thoát nước tốt và giàu chất dinh dưỡng. Vì vậy, trước khi trồng tỏi, hãy chọn loại đất sạch hoặc xử lý đất trồng cây trong vườn nhà bạn trước khi trồng ít nhất một tuần bằng vôi bột.
Nếu đất trồng trong vườn không bị úng thì không cần lên luống. Nếu đất bị trũng, hãy lên luống với độ cao 20cm.
Tỏi có bộ rễ chùm, lan rộng. Vì vậy đối với kỹ thuật trồng tỏi trong chậu, hãy lựa chọn những chiếc chậu có nhiều lỗ thoát nước dưới đáy, chiều cao của chậu tốt nhất là 20cm.

Kỹ thuật trồng tỏi bằng củ

kỹ thuật trồng củ tỏi trong chậu
Cần chọn củ tỏi chắc, khỏe và không bị mốc để trồng

Hãy chọn những củ tỏi chắc khỏe trong nhà bếp của bạn, không nên chọn  những củ bị héo, lép, mốc hoặc bị sứt sẹo. Từ những củ tỏi này, hãy cẩn thận tách ra thành từng nhánh. Hãy cẩn thận để phần gốc không bị sứt và lớp vỏ không bị bong, nếu không khi trồng xuống đất, nó sẽ bị thối.
Từ những nhánh tỏi này, hãy trồng xuống đất. Các nhánh tỏi cần được trồng cách nhau từ 7 đến 10cm để có không gian cho củ tỏi phình ra sau này. Khi trồng, để phần gốc tỏi xuống dưới và phần đỉnh hướng lên trên (không để nằm). Phủ đất lên với độ dày 2cm để che phủ phần chóp của nhánh tỏi và để phần củ không bị trồi lên mặt đất khi cây lớn. Sau cùng, phủ một lớp rơm rạ hoặc lá cây lên trên để giữ ẩm cho đất và tránh cỏ mọc.
Sau 1 tuần, đào lên xem rễ và mầm có mọc hay không. Nếu có, hãy trồng lại, và nếu không thì cần loại bỏ nhánh tỏi không nảy mầm để tránh chúng bị thối và lây sang những nhánh tỏi bên cạnh.

Tưới nước

Sau khi trồng tỏi, chỉ tưới nước khi đất khô. Tỏi cần có nước để mọc mầm và lớn lên, nhưng nếu nhiều nước quá, chắc chắn nó sẽ bị thối.

Chỉ dùng nước sạch hoặc nước vo gạo, tuyệt đối không dùng các loại nước thải để tưới cho cây tỏi. 

Làm cỏ và bón phân

Trong quá trình trồng tỏi, nếu thấy cỏ dại mọc, hãy nhổ bỏ ngay để chúng không thể lấn át và tranh giành dinh dưỡng của cây tỏi.
Tỏi rất cần dinh dưỡng để nuôi củ. Vì vậy, hãy thường xuyên bổ sung phân hữu cơ có trộn tro bếp để đất được tơi xốp và cung cấp đủ chất cho tỏi phát triển và chống chịu tốt với bệnh tật.
Nếu thấy đất bị dí, hãy xới nhẹ phần đất ở bề mặt lên để tạo độ thông thoáng. Chú ý, không xới quá sát gốc để tránh ảnh hưởng đến phần gốc và củ.

Phòng bệnh cho cây tỏi

Cây tỏi dễ mắc bệnh sương mai (hay còn gọi là mốc sương). Đây là loại bệnh do nấm gây ra. Do vậy, trước khi trồng tỏi, cần xử lý đất thật kỹ, đồng thời trong khi trồng, không tưới nước quá thường xuyên, không để đất bị úng nước.

Thu hoạch tỏi

kỹ thuật trồng tỏi hữu cơ
Buộc tỏi thành chùm và treo vào nơi thoáng mát

Ngay khi lá tỏi chuyển sang màu vàng, hãy dừng tưới nước. Chờ thêm 2 tuần nữa là có thể thu hoạch tỏi. Củ tỏi sau khi thu hoạch cần được để trong chỗ khô ráo, thoáng mát. Cách bảo quản tỏi tốt nhất là buộc chúng lại thành từng bó và treo lên bất cứ chỗ nào trong bếp của bạn, miễn sao chỗ đó không có ánh nắng chiếu vào.

Để giống củ tỏi

Hãy chọn những củ tỏi già, mập mạp và không bị hư hỏng để bó thành chùm riêng, treo nơi thoáng mát để trồng những lần sau.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách Trồng Rau Mầm Đậu Hà Lan Cực Dễ