Cách Trồng Đậu Đen Hữu Cơ Sai Quả
Đậu đen ăn vừa mát lại vừa bổ. Đặc biệt, đậu đen còn có
tác dụng giúp giảm cân rất tốt. Đặc biệt, trồng đậu đen không hề khó, nhất là
khi đất trong vườn nhà bạn quá khô và nghèo nàn chất dinh dưỡng.
Mô hình trồng cây đậu đen cao sản |
1. Tại sao nên trồng đậu đen?
Cải tạo đất: Bộ rễ của
cây đậu đen có thể cố định đạm trong đất nhờ các nốt sần, qua đó giúp tăng cường
lượng đạm trong đất. Vì vậy, cây đậu đen thích hợp với những loại đất nghèo
dinh dưỡng, đất cát, khô cằn và những vùng đất nghèo photpho. Vì vậy, nếu đất
trong vườn cằn cỗi và khó có thể trồng nhiều loại cây khác, thì trồng đậu đen
là sự lựa chọn hợp lý.
Dễ trồng: Cây đậu đen
khá dễ trồng, chúng không những cần ít dinh dưỡng mà còn có sức chịu đựng phi
thường với thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là chịu nóng và chịu khô rất tốt.
Có đậu sạch để dùng:
Trong quá trình cất trữ, đậu đen rất dễ bị sâu và mọt đục phá hạt. Để bảo quản
được lâu ở chợ, người ta phải dùng đến một số loại chất hóa học mà bằng mắt thường
chúng ta không thể đoán được. Khi tự trồng đậu đen, chúng ta sẽ có đậu đen sạch
để dùng.
Thân và lá dùng làm
phân xanh: Sau khi chúng ta hái hết quả, toàn bộ cây đậu đen đều có thể tận dụng
để ủ làm phân hữu cơ. Loại phân ủ từ cây đậu rất giàu đạm, dùng để bón cho các
loại cây trồng khác vô cùng tốt.
2. Nên trồng cây đậu đen vào mùa nào?
Nên trồng cây đậu đen xanh lòng vào mùa có khí hậu ấm áp, tránh mùa lạnh. Cây đậu đen không chịu được lạnh.
Ở miền Bắc, nên trồng
đậu đen vào mùa xuân và mùa hè tức là trồng từ khi ra tết đến hết tháng 7 âm lịch.
Ở Tây Nguyên nên trồng đậu đen vào mùa khô, ở Nam Bộ thì có thể trồng quanh
năm. Còn ở các vùng còn lại, căn cứ vào sự thay đổi khí hậu theo mùa để trồng.
3. Làm đất trồng đậu đen
Cây đậu đen thích hợp
với đất hơi chua, tức là độ pH từ 5,8 đến 6,4. Cây không chịu được đất kiềm.
Chúng ta không nên trồng
cây đậu đen ở những khu đất bị trũng, ngập úng hoặc thoát nước chậm. Nếu đất thấp,
chúng ta nên lên luống trước khi trồng.
Trước khi trồng, đất
nên được xử lý tốt bằng cách làm sạch cỏ, cuốc xới cho tơi xốp, bón phân hữu cơ
có trộn thêm lân và tro bếp để tăng độ mùn, photpho và kali cho đất.
4. Mô hình và cách trồng cây đậu đen cao sản
Trong các mô hình trồng đậu đen, người ta sử dụng các
hạt giống đậu đen tốt, có sức chống chịu với sâu bệnh cao để gieo. Khi chọn hạt
giống, nên loại bỏ tất cả các hạt đã bị mốc, bị sâu mọt đục thủng hoặc cắn vỡ.
Chúng ta gieo hạt đậu
đen bằng cách dùng cuốc chim cuốc một hố có độ sâu chừng 15cm, thả ba hạt đậu
vào một hố, rồi lấp đất lại. Cứ như thế đến khi gieo hết diện tích đất trồng. Khoảng
cách giữa các hố là 50 x 50cm.
Sau khi gieo hạt
xong, tốt nhất là nên tưới bằng hệ thống tưới nước phun sương tự động hoặc hệ
thống béc tưới. Nếu không có, hãy dùng đầu phun mưa lắp vào đầu ống nước để tưới.
Đậu đen cũng có thể
trồng được trong chậu. Chúng ta nên chọn những chiếc chậu có chiều sâu từ 20 đến
25cm. Với mỗi chậu có đường kính 20cm, chúng ta có thể trồng được 3 hạt đậu.
Khi trồng, dùng một chiếc que nhỏ cắm một lỗ có chiều sâu 5cm, sau đó thả hạt đậu
vào và lấp lại, tưới nước thường xuyên cho hạt nảy mầm.
5. Cách chăm sóc cho cây đậu đen sai quả
Phòng và trừ bệnh cho cây đậu đen cao sản
Trong quá trình phát triển của cây đậu đen, cây rất hay bị
sâu đục quả, ruồi đục lá, rệp đen và rầy xanh và cả bệnh nấm. Để phòng trừ những
loại này,chúng ta cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Ngâm hạt giống đậu đen trước khi gieo vào nước ấm với tỉ lệ 3 nước sôi : 2 nước lạnh. Nước sôi tức là nước ở nhiệt độ 100 độ C.
- Trồng xen cây đậu đen với cây ngô (cây bắp), cứ một hàng ngô lại đến một hàng đậu đen.
- Làm cỏ sạch sẽ giúp giảm đáng kể lượng sâu hại tấn công quả đậu. Không nên để mặc cho cỏ dại mọc um tùm trong vườn đậu.
- Đặt bẫy ruồi để phòng ruồi đục lá. Các loại thuốc trừ sâu đều không thể ngăn ngừa và tiêu diệt ruồi đục lá, ngược lại còn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng hạt đậu. Các loại bẫy ruồi hiện nay được bán trên thị trường với giá khá rẻ. Cứ 100m2 thì treo 5 bẫy.
- Trừ rệp bằng cách sử dụng dung dịch lá xoan hoặc dung dịch tỏi ớt pha với dầu khoáng để phun toàn bộ vườn, không dùng thuốc trừ sâu.
Bón phân cho cây đậu
Cây đậu đen rất cần
photpho và kali để phát triển khỏe mạnh, ra nhiều hoa và đậu nhiều quả. Vì vậy,
khi bón lót nên bón thêm lân, tro bếp và phân hữu cơ đã ủ hoai. Khi đậu bắt đầu
ra nụ, bón bổ sung lân và kali một đợt nữa.
Cây đậu có khả năng cố
định đạm trong đất nên không cần bón thêm đạm trong suốt thời gian trồng.
6. Thu hoạch đậu đen
Khi quả đậu gần khô,
vỏ chuyển sang màu nâu thì bắt đầu thu hái. Do cuống đậu khá dai, chúng ta cần
dùng kéo để cắt cho dễ dàng và tránh làm vỏ đậu tách ra.
Không để khi quả quá
khô mới hái vì như thế vỏ đậu bị bong ra, hạt đậu sẽ rơi mất.
Qủa đậu đen không
chín hàng loạt mà chỉ chín lác đác, vì vậy cứ 2 ngày một lần, chúng ta sẽ thu
hoạch cho đến khi hết quả trên cây.
7. Bảo quản đậu đen sau khi thu hoạch
Sau khi hái, đem quả
đậu phơi khô, sau đó dùng tay vò để vỏ đậu bong ra, thu lấy hạt đậu và đem phơi
khô lại một lần nữa.
Bỏ hạt đậu vào một
chiếc hộp nhựa (chất liệu PP) hoặc hộp thủy tinh, bỏ vào ngăn mát tủ lạnh.
Nếu cất trữ bên
ngoài, chúng ta nên trộn lẫn đậu với tro bếp và đậy kín nắp hộp để tránh bị mọt.
Nhận xét
Đăng nhận xét