Cách Trồng Cà Chua Bằng Hạt Trong Chậu Không Bị Chết Yểu


Cứ nghĩ cách trồng cà chua dễ không tưởng mà lại không hề dễ. Nhiều khi, sau bao nhiêu công vun trồng, chăm sóc, đến khi cây ra hoa và kết bao nhiêu quả vẫn lăn ra chết yểu. Nếu bạn đã từng trồng cà chua và gặp phải vấn đề này, thì bài viết này chính là dành cho bạn.
cách trồng cà chua trong chậu
Cách trồng cà chua trong chậu cho sai quả và quả to


TẠI SAO CÂY CÀ CHUA BỊ CHẾT YỂU?

Khi chúng ta trồng cà chua đến khi cây bắt đầu ra hoa, kết quả, cây cà chua thường bị mốc lá, cháy lá, quả bị thối ủng, rễ cây bị thối, và cây cà chua bị chết bất đắc kỳ tử.
bệnh mốc sương trên cây cà chua
Cây cà chua bị bệnh mốc sương dẫn đến chết yểu

Cây cà chua bị chết yểu (chết muộn) là do mắc phải một loại bệnh có tên là Bệnh sương mai, hay còn gọi là mốc sương, do nấm Phytophthora infestans gây nên. Đây là bệnh rất thường gặp khi trồng cà chua, khiến nhiều người nghĩ rằng, việc trồng cà chua mới khó khăn làm sao.
Tuy nhiên, mọi thứ đều trở nên dễ dàng nếu chúng ta biết cách trồng cà chua và phòng ngừa nấm bệnh đúng đắn. Sau đây chính là kỹ thuật trồng cà chua hiệu quả nhất, giúp cây sống dai, sống khỏe và tuyệt đối không bị bệnh “chết tức tưởi”.

KỸ THUẬT TRỒNG CÀ CHUA BẰNG HẠT TRONG CHẬU KHÔNG BỊ CHẾT YỂU

cách trồng cà chua trong chậu
Trồng cà chua tại nhà không khó nếu chúng ta biết cách

Bước 1, Chọn giống kháng bệnh tốt

Cách trồng cây cà chua tốt nhất là cần chọn hạt giống có khả năng kháng bệnh tốt thì tỷ lệ cây cà chua bị mắc bệnh chết yểu giảm hơn một nửa. Chúng ta hoàn toàn có thể trồng cà chua bằng hạt thu được từ những quả cà chua dùng để nấu ăn hàng ngày, nhưng loại hạt giống này đã bị thoái hóa, khả năng sinh trưởng và kháng bệnh không còn được như cây bố mẹ ban đầu. Tốt nhất, hãy chọn mua giống cà chua kháng bệnh tốt từ những hãng hạt giống uy tín.

cây cà chua con
Nên ươm hạt giống cà chua trong bầu trước khi đem trồng vào chậu

Bước 2, trồng cà chua vào mùa thích hợp

Cây cà chua rất ưa khí hậu ấm áp. Vì vậy, ở miền Bắc, nên trồng cà chua vào mùa xuân và mùa hè, ở Tây Nguyên nên trồng vào mùa mưa (từ tháng 2 đến tháng 10 dương lịch) và ở Nam Bộ có thể trồng quanh năm. Nếu trồng cà chua vào mùa lạnh, cây dễ bị mắc bệnh hơn.

Bước 3, trồng cây cà chua ở nơi có nhiều ánh nắng

Cây cà chua rất thích ánh nắng. Đó là lý do vì sao khi trồng trong bóng râm hoặc ở nơi được chiếu sáng ít ỏi, cây cà chua không thể lớn được, không ra hoa kết quả được và dễ bị bệnh. Tốt nhất, chúng ta nên chọn những chỗ được mặt trời chiếu sáng ít nhất 6 tiếng mỗi ngày để trồng cây cà chua bi và những loại cà chua khác.
cách trồng cây cà chua bi tại nhà
Nên trồng các loại cà chua ở nơi có nhiều ánh nắng

Bước 4, xử lý đất thật kỹ trước khi trồng

Mầm bệnh gây hại cho cây cà chua trú ẩn nhiều nhất ở trong đất và chỉ chờ đến ngày được tấn công cây trồng. Xử lý đất là biện pháp RẤT CẦN THIẾT trước khi trồng cà chua. Trước khi trồng một tuần, chúng ta cần xới đất cho tơi, bón vôi và phơi dưới nắng. Sau 7 ngày, cần bón phân hữu cơ ủ hoai mục hoặc phân vi sinh vào đất, kèm thêm lân. Như vậy là có thể bắt đầu trồng cây xuống.

Bước 5, cách trồng cà chua trong chậu


Dù là trồng cà chua bi, trồng cà chua leo giàn hay cà chua gì đi nữa, chúng ta cũng nên gieo hạt cà chua vào bầu trước khi đem trồng trực tiếp vào chậu. Hãy dùng đất đã được xử lý ở bước 4 để cho vào bầu. Bầu để gieo hạt cà chua cần có đường kính 5 cm và chiều cao 10 cm trở lên. Khi cây cà chua con có từ 3 đến 4 lá thật thì bắt đầu đem trồng vào chậu. Khi trồng, nên đào hố sâu vừa đủ để lấp toàn bộ phần rễ cây xuống dưới đất, không để rễ cây bị gập, bị lồi lên trên mặt đất.


Bước 6, chăm sóc cây cà chua sau khi trồng

giàn trồng cây cà chua bi
Mắc giàn cho cây cà chua bi và các loại cà chua khác giúp cây đứng vững


 
Khi cây cà chua cao tầm 20cm, chúng ta cần làm giàn cho cây cà chua vì chúng có thân rất yếu và dễ bị ngả hoặc bị gãy. Cách làm giàn rất đơn giản, chỉ cần căm 4 chiếc que thẳng ở 4 góc, chụm 4 đầu que lại hoặc dùng kẽm đan thành những vòng tròn chung quanh là được. Ngoài ra, chúng ta cần thường xuyên thực hiện các cách chăm sóc như sau:
  • Tưới nước thường xuyên cho cây trong những ngày nắng nóng.
  • Thường xuyên ngắt bỏ lá già, lá vàng hoặc những chiếc lá bắt đầu xuất hiện đốm trắng.
  • Mỗi tuần một lần, nên nhổ bỏ các cây cỏ dại mọc quanh gốc để chúng không tranh giành chất dinh dưỡng của cây trồng.
  • Mỗi tháng một lần, nên xới đất quanh gốc và bổ sung phân hữu cơ đã ủ hoai mục hoặc phân vi sinh cho cây.

BÍ QUYẾT ĐỂ CÂY CÀ CHUA ĐẬU NHIỀU QUẢ, SAI QUẢ, QUẢ TO

Cách trồng cà chua hiệu quả nhất để bông hoa nào cũng đậu quả, quả nhiều và to, đó là khi cây bắt đầu ra hoa, nên bón bổ sung tro bếp và phân hữu cơ ủ hoai hoặc vi sinh cho cây. Ngắt bớt lá già, lá vàng hoặc quả bị hỏng để bỏ đi.
kỹ thuật trồng cây cà chua tại nhà
Cần bón thêm kali để cây cà chua có quả to

THU HOẠCH CÀ CHUA CHÍN
Khi cà chua chín đỏ, chúng ta bắt đầu thu hoạch bằng cách dùng kéo cắt cuống cà chua. Không nên ăn cà chua xanh vì trong cà chua xanh chứa nhiều solanin – một loại chất độc gây nôn mửa, chóng mặt và độc hại cho hệ thần kinh.
Cà chua chín có thể chế biến thành nhiều món ăn cực kỳ ngon như làm sốt cà chua, cà chua xào trứng, cà chua nấu canh cá…Trong cà chua còn chứa nhiều β-carotene rất tốt cho sức khỏe.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách Trồng Rau Mầm Đậu Hà Lan Cực Dễ