Tác Dụng Của Nấm Trichoderma Trong Trồng Rau Sạch Hữu Cơ


Nếu bạn đang quan tâm đến trồng rau sạch hữu cơ, thì nhất định không được bỏ qua nấm đối kháng trichoderma. Đây là loài nấm có khả năng chữa các loại bệnh thối rễ, vàng lá ở rau, phân giải chất hữu cơ giúp rau phát triển tươi tốt và khỏe mạnh.

Nấm trichoderma là loại nấm gì?

cách ủ nấm trichoderma
Nấm trichoderma phân giải chất hữu cơ thành dạng dễ tiêu để bón cho cây
Nấm trichoderma là loài nấm cộng sinh với một số loại cây trồng và đối kháng với các loại vi sinh vật gây bệnh. Chúng có mặt trong nhiều môi trường sống khác nhau. Ngoài có mặt trong đất, chúng phát triển mạnh ở những nơi giàu chất hữu cơ và ẩm ướt. Nhiệt độ lý tưởng nhất để nấm phát triển mạnh là từ 25 đến 30 độ C.


Có tới 88 loài trichoderma khác nhau. Thông thường, bạn có thể bắt gặp chúng mọc thành từng đám màu xanh hoặc màu vàng ở bắp ngô, bột ngô để lâu ngày.

Cơ chế hoạt động của nấm đối kháng trichoderma

Trong quá trình sinh trưởng, nấm trichoderma tiết ra các loại en-zim bao gồm amylase, protease, cellulase...Các en-zim này có tác dụng phân hủy các chất cenllulose, protein, carbonhydrate ở dạng khó hấp thụ có trong xác các loại động thực vật thành các thành phần đơn giản, giúp cho bộ rễ của cây trồng dễ dàng hấp thu.

Đây là loài nấm có sức cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ. Ngoài việc tranh giành thức ăn với các loài nấm khác, chúng còn tiết ra các en-zim để tiêu diệt các loài nấm và vi khuẩn gây bệnh và dùng các xác của những loài đó để làm thức ăn. Vì vậy, chúng là “kẻ địch”của các loài gây bệnh trên cây trồng. Đó cũng là lý do người ta gọi nó là “nấm đối kháng”.

Nấm trichoderma cộng sinh với các loài vi khuẩn cố định đạm trong đất bằng cách tiết ra các en-zim giúp các loài này phát triển mạnh mẽ. Bạn có thể bắt gặp các nốt sần trên bộ rễ của các loài cây họ đậu như đậu đen, lạc, đậu tương…Đây chính là hình thức cộng sinh giữa hai loài này. Như vậy, ở những nơi có nấm trichoderma, đất giàu đạm hơn.

Một số chủng nấm này còn giúp cây trồng tự kích hoạt khả năng kháng bệnh của mình, vì vậy chúng giúp cho bộ rễ của cây trồng khỏe mạnh hơn, khả năng đâm sâu và hút các chất dinh dưỡng tốt hơn, cây trồng có sức chống chịu tốt hơn với các điều kiện bất lợi của môi trường.

Tác dụng của nấm trichoderma trong trồng rau sạch hữu cơ

Thứ nhất, các loại xác động vật, thực vật chết rất giàu dinh dưỡng nhưng đều ở dạng phức tạp và bộ rễ cây trồng không thể hấp thu. Nấm đối kháng trichoderma giúp phân hủy các chất phức tạp này thành dạng đơn giản, cây và rau dễ dàng hấp thu để phục vụ cho quá trình sinh trưởng và phát triển của mình.

Thứ hai, nấm trichoderma dùng để diệt các loại mầm bệnh trong các chất thải hữu cơ. Trong phân chuồng và các rác thải hữu cơ tồn tại rất nhiều nấm bệnh và vi khuẩn có hại cho cây trồng. Nếu các loại chất thải này được bón trực tiếp cho cây trồng hoặc rau, cây sẽ bị mầm bệnh tấn công. Dân gian ta hay gọi đây là hiện tượng “xót phân”. Nấm đối kháng trichoderma tấn công, tiêu diệt và phân hủy các loài gây hại này để làm thức ăn cho mình, biến chất thải thành chất dinh dưỡng an toàn cho cây và rau.

Thứ ba, trồng rau sạch hữu cơ bằng cách dùng các loại phân hữu cơ có ủ nấm đối kháng để bón cho cây sẽ giúp phòng và trị các loại bệnh thối rễ, vàng lá, chết yểu, cây còi cọc chậm lớn hoặc nấm bệnh trên cây và rau. Các loại bệnh này chủ yếu do các loại nấm và vi sinh vật có hại gây nên.

Thứ tư, sử dụng các chế phẩm sinh học chứa nấm trichoderma giúp cây trồng và rau có bộ rễ khỏe mạnh, khả năng hút các chất dinh dưỡng mạnh mẽ hơn, sức đề kháng của cây được nâng cao.

Thứ tư, loài nấm đặc biệt này giúp cố định và tăng cường lượng đạm trong đất, giúp đất giàu đạm, giàu mùn hơn, cải thiện độ tơi xốp và thông thoáng của đất.

Thứ năm, sử dụng nấm đối kháng để trồng rau giúp bạn hạn chế được việc dùng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ nấm. Như vậy, việc trồng rau theo hướng hữu cơ của bạn sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.

Cách ủ nấm đối kháng trichoderma

Nấm trichoderma được bán rộng rãi ngoài thị trường, thường được đóng thành gói 1kg. Bạn có thể mua loài nấm này với giá thành khá rẻ, chỉ từ 50 nghìn đến 80 nghìn đồng/gói.

Cách ủ nấm trichoderma: Bạn hãy tập hợp phân chuồng (phân gà, phân bò, phân lợn) hoặc các loại rác thải hữu cơ (lá cây, cỏ, rau già...) thành đống, pha nấm đối kháng vào nước rồi tưới lên đống phân. Sau đó, dùng bạt để đậy kín đống ủ vào. Tưới nước hai ngày một lần để duy trì độ ẩm cho nấm phát triển. Trong quá trình ủ, nhiệt độ bên trong đống ủ có thể lên tới 50 – 60 độ C. Thời gian ủ lý tưởng là từ một tháng rưỡi đến đến hai tháng.

Bón trực tiếp: Nếu trên bề mặt đất trồng có nhiều lá cây, xác cây cối hoặc động vật chết, bạn có thể dùng chế phẩm có chứa nấm trichoderma hòa tan vào nước rồi tưới trực tiếp vào đất. Lưu ý rằng, loài nấm đối kháng này sẽ chết nếu sau khi bón vào đất, chúng không tìm được mùn hay xác hữu cơ để làm thức ăn.

Phân hữu cơ sau khi ủ có thể bón vào đất để trồng rau sạch hoặc các loại cây trồng khác. Lưu ý, không nên bón vôi sau khi bón phân hữu cơ vì vôi sẽ tiêu diệt nấm trichoderma trong phân hữu cơ và trong đất.

Nếu không có rác thải hữu cơ để ủ hoặc thời gian ủ quá lâu khiến bạn không muốn chờ đợi, bạn có thể mua các loại phân vi sinh ở các cửa hàng phân bón. Đây là loại phân hữu cơ đã ủ vi sinh, rất tốt cho cây trồng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách Trồng Rau Mầm Đậu Hà Lan Cực Dễ