Các Món Ăn Từ Rau Muống Của Người Dân Việt Nam



Món ăn từ rau muống là món ăn rất ngon nhưng lại rẻ của người dân Việt Nam. Rau muống từ xưa đã đi vào câu ca dao “Anh đi anh nhớ quê nhà – Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. 

Vậy, hãy cùng điểm qua các món ăn từ rau muống ngon, bổ mà lại còn rẻ nhé.

1. Món rau muống xào tỏi

Rau muống xào tỏi là món ăn từ rau muống tuy dân giã nhưng lại rất ngon miệng, có mặt từ mâm cơm gia đình đến thực đơn của các nhà hàng sang trọng. Tuy nhiên, để làm được món rau muống xào tỏi có màu xanh bóng bắt mắt và vị thơm ngon như ngoài nhà hàng thì không phải ai cũng thực hiện được.


Rau muống xào tỏi xanh bóng đẹp mắt và ngon miệng
Nguyên liệu:

  • Rau muống: 1 bó
  • Tỏi: 4 nhánh
  • Gia vị: Dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, dầu hào, bột nêm
Sơ chế:

Rau muống nhặt bỏ phần già và lá úa, sau đó rửa sạch và để ráo. Tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn.

Chế biến:

Bước 1: Đun sôi nước, cho rau muống vào chần, khi nước vừa sôi trở lại thì vớt rau muống ra và xả với nước lạnh để giữ màu xanh của rau.

Bước 2: Cho dầu vào chảo, đến khi dầu nóng thì cho tỏi vào phi thơm. Sau đó, trút rau muống đã chần vào, đảo nhanh tay, cho thêm nước mắm, hạt nêm, dầu hào và bột ngọt cho vừa ăn. Sau 1 phút thì tắt bếp.

Bước 3: Cho rau muống ra đĩa và dùng với cơm, sẽ rất ngon miệng.

2. Rau muống luộc 

Trong các món ăn từ rau muống, rau muống luộc là món ăn đơn giản, rất dễ chế biến. Tuy nhiên, để luộc rau muống có màu xanh, cần thực hiện theo các bước như sau:

Nguyên liệu: 

Rau muống, muối, bột ngọt

Sơ chế:

Rau muống nhặt bỏ cọng già và lá úa, sau đó rửa sạch và để ráo.

Chế biến:

Bước 1: Bắc nồi nước lã lên bếp và đun sôi, cho thêm ½ thìa cà phê muối và 1/2 thìa cà phê bột ngọt. Lưu ý, nên đun nhiều nước để đảm bảo khi luộc, rau sẽ ngập trong nước.

Bước 2: Khi nước vừa sôi, cho rau muống vào, đun lửa to. Sau khi nước sôi trở lại khoảng 30 giây thì tắt bếp.

Bước 3: Rau muống khi vừa vớt ra thì xả ngay dưới vòi nước lạnh đến khi rau nguội. Để ráo và cho lên đĩa. Vắt một chút chanh vào nước luộc rau, nước luộc sẽ trở nên xanh, trong và có vị chua dịu nhẹ và ngon miệng.

Rau muống luộc sẽ rất ngon khi ăn kèm với cà pháo muối chua, rau kinh giới hoặc tía tô.


3. Canh rau muống nấu cá rô


Trong các cách nấu canh rau muống, rau muống nấu với cá rô đồng là món ăn biến tấu khá thú vị của người dân Việt Nam vùng Bắc Bộ. Với vị ngọt dịu của cá, vị thơm của gừng, chút cay cay của ớt khiến cho món ăn trở thành nỗi nhớ nhung của biết bao người.

Nguyên liệu:

  • Rau muống:  1 bó
  • Cá rô: 3 lạng
  • Gia vị: hành củ, gừng tươi, ớt tươi, hạt nêm, muối, bột ngọt, rau răm
Sơ chế:

Rau muống nhặt bỏ lá già, lá úa, rửa sạch, sau đó cắt khúc khoảng 5 cm. Gừng tươi, hành tươi và ớt rửa sạch, băm nhuyễn.

Chế biến:

Bước 1: Đun sôi khoảng 2 lít nước, khi nước đã sôi đến 100 độ C thì cho cá rô vào luộc trong 10 phút. Sau đó vớt cá ra, gỡ lấy thịt cá để riêng. Phần xương cá thì giã nhuyễn, lọc lấy nước. Sau đó, trút phần nước và thịt cá đã lọc vào nồi nước luộc cá vừa đun.

Bước 2: Đun sôi trở lại nồi nước luộc cá, khi nước đã sôi thì thả rau muống vào, cho muối, hạt nêm và bột ngọt vừa ăn. Sau khi nước sôi trở lại, chờ khoảng 1 phút và tắt bếp. Sau đó cho gừng tươi, hành củ, rau răm và ớt tươi đã băm nhuyễn vào nồi canh.

Bước 3: Múc canh ra tô và thưởng thức. Lưu ý rằng món canh cá rô nấu rau muống ngon nhất khi dùng nóng.

Ngoài nấu rau muống với cá rô, có thể thay cá rô bằng hến, ngao và thêm các gia vị tương tự.

4. Món rau muống trộn

Trong những ngày hè nóng bức, khi mà mọi món ăn trở nên ngán ngẩm, thì món nộm rau muống sẽ khiến cho mâm cơm trở nên ngon miệng hơn.

Nguyên liệu:

  • Rau muống: 1 bó
  • Lạc (đậu phộng): 1 lạng
  • Rau thơm: húng quế, kinh giới, húng bạc hà
  • Gia vị: tỏi, ớt, chanh, đường, dầu ăn, nước mắm, hành khô, chanh, bột ngọt

Sơ chế:

Rau muống nhặt bỏ lá, chỉ lấy phần thân, sau đó chẻ phần thân rau muống và thả vào thau nước lạnh. Lưu ý, không nên bỏ muối vào nước ngâm rau muống đã chẻ vì như thế rau sẽ không thể xoăn lại được. Ngâm rau muống đã chẻ trong 15 phút, sau đó vớt ra và để ráo.

Rau thơm nhặt bỏ phần già úa và rửa rạch, để ráo. Hành khô bóc vỏ và thái mỏng.Tỏi, ớt băm nhuyễn.

Chế biến:

Bước 1: Rang lạc cho đến khi chín, sau đó bóc sạch vỏ và giã dập. Không nên giã lạc quá nhỏ mà chỉ nên giã vỡ thành ¼ hạt lạc, như  vậy lạc sẽ giữ được độ thơm và bùi khi ăn.

Bước 2: Dùng khoảng 3 muỗng canh dầu ăn cho vào chảo, sau đó cho hành đã thái nhỏ vào phi vàng.

Bước 3: Pha chế nước mắm bằng cách dùng tỏi băm, ớt băm, đường, chanh, bột ngọt cho vào nước mắm, trộn đều cho các gia vị tan vào nhau.

Bước 4: Trộn gỏi bằng cách cho hành đã phi thơm, nước mắm đã pha chế vào rau muống đã chẻ. Trộn đều và để khoảng 10 phút cho rau thấm gia vị. Sau đó, bày lên đĩa và rắc rau thơm, lạc rang lên trên.

Ở các tỉnh miền Nam, người ta hay dùng bánh tráng để quấn với gỏi rau muống rồi chấm với mắm nêm hoặc nước mắm đã pha chế như trên để tăng thêm phần ngon miệng và thú vị của món ăn.

Rau muống tuy bình dân nhưng lại có thể chế biến thành nhiều món ăn rất ngon và trở thành một phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân Việt Nam. Để món ăn từ rau muống đảm bảo ngon miệng và an toàn, bạn hãy chọn rau muống sạch và tránh xa các loại rau muống bẩn nhé. 

Xem thêm: Tác hại của việc sử dụng rau muống bẩn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách Trồng Rau Mầm Đậu Hà Lan Cực Dễ